Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Sự khác biệt giữa người hướng nội và người tự cô lập bản thân

 Wikicabinet kính chào quý độc giả ở kỳ trước chúng tôi đã giới thiệu các chủ đề về:

7 dấu hiệu của trí thông minh cảm xúc thấp

Kỳ này Wikicabinet xin giới thiệu đến độc giả một chủ đề thú vị về Sự khác biệt giữa người hướng nội và người tự cô lập bản thân. Mời quý độc giả đón theo dõi chủ đề này cùng Wikicabinet nhé.

Trong nhiều năm, tôi đã mang niềm tin rằng mình là một người hướng nội…

Lủi thủi làm việc, lặng lẽ qua ngày, một mình đó đây và “hẹn hò với bản thân”. Tất cả những điều này là một sự lựa chọn, một sự lựa chọn khiến tôi hạnh phúc. Thứ cảm giác ấy thật thảnh thơi, tự tin và tôi đã sống cuộc đời theo cách của riêng mình.

“Tớ thấy cậu trở nên đầy sức sống khi có mọi người cạnh bên đó,” một cô bạn đã nói với tôi điều này.

Dẫu biết rằng đó là sự thật song quan niệm của tôi lại hoàn toàn trái ngược. Và tôi vẫn tự nhận mình là người hướng nội và nó đã trở thành một phần trong con người tôi. Suốt những năm tháng ấy, suy nghĩ này là điều gì đó mà tôi bắt đầu bảo vệ. Nhìn lại quá khứ, về những thứ đã qua, rõ ràng là, ít nhiều tôi biết nó không hề đúng đắn.

Và rồi, tôi dần dần nhận ra rằng mình không phải là người hướng nội, quả thật chưa bao giờ là vậy.

Nhiều năm qua, tôi chính là “người hướng ngoại bị tổn thương” (wounded extrovert) – điều mà tôi của hiện tại đã ngộ ra. Tôi đã là một người như thế, một người cắt đứt mối liên hệ với những người cô ấy quan tâm theo nhiều cách khác nhau, một người mà tìm kiếm sự an toàn hơn thay vì kết nối với chính mình.

Điều này đã diễn ra, trong một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, khi cuộc sống của tôi được điều chỉnh và cải thiện, tôi nhận ra mình chấp nối với những người khác một cách thật tự nhiên và tôi thực sự quý trọng quãng thời gian của mình với những người mà tôi yêu thương hơn bất cứ điều gì khác. Tính cách hướng ngoại của tôi như được giải thoát ra bên ngoài. Và cuối cùng, tôi đã quay trở lại và nói với người bạn đó rằng cô ấy hoàn toàn đúng. Kể từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã mang trong mình tính cách hướng ngoại và tôi chỉ ngừng tin tưởng là mình có thể kết nối với mọi người theo cách mà bản thân mong muốn.

Nó đã khiến tôi nhận ra sự khác biệt thực sự rằng đâu là người hướng nội hay đơn giản là chúng ta đang cố gắng để tự cô lập chính bản thân. Đó là sự khác biệt mà ít người biết đến hay thậm chí chẳng thể phân biệt được.

Mặc dù, rất nhiều người cho rằng họ là “những người hướng ngoại mang tính cách hướng nội” (introverted extrovert) nhưng thực tế thì, chúng ta đang sa ngã vào đâu đó trong phạm vi của hai kiểu tính cách này. Theo định nghĩa, mỗi cá nhân là những người vừa hướng nội, vừa hướng ngoại (ambivert). Tuy nhiên, bạn lại được xếp vào là người này hay người khác nhờ những sở thích và đặc điểm nổi bật. Cụ thể, cách bạn lấy lại nhiều năng lượng hơn là cái đưa bạn vào trong một phạm trù nào đó.

Đối với những người hướng nội, dành thời gian ở một mình sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho họ. Trái ngược lại, người hướng ngoại lại nạp năng lượng bằng cách sử dụng thời gian của mình để cạnh bên mọi người. Trong nhiều trường hợp, sự khác biệt này không dễ phát hiện và nó khiến cho việc phân loại chính xác trở nên thật khó khăn.
Hướng nội không phải cái cớ để trở thành một người bạn xấu.

Nói một cách rộng hơn, thuật ngữ “hướng nội” đã trở thành danh từ cho bất kỳ hành vi nào không được coi như là vô cùng thân thiện, cởi mở hay thường xuyên giao tiếp xã hội. Trong những năm gần đây, không ít người đã đồng nhất hóa điều này với suy nghĩ đó và tôi tin rằng nó liên quan đến sự gia tăng của việc thường xuyên cảm thấy trống trải và giao tiếp trực tuyến. Và, hầu hết mọi người muốn trở lại trạng thái cân bằng tự nhiên của họ bằng cách khôi phục lại những khoảng cách và cho phép bản thân có được không gian và thời gian riêng tư.

Rủi thay, điều này đã khiến người ta nhầm lẫn giữa hành vi tự cô lập bản thân với tính cách hướng nội.

Nếu bạn liên tục hủy bỏ những lịch hẹn với bạn bè, không tiếp tục dõi theo, bỏ bê trả lời tin nhắn trong nhiều ngày và nhiều tuần ròng rã hay phớt lờ những lời mời, không xuất hiện cùng mọi người vào những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của họ – thì đó không phải tính cách hướng nội mà là sự cô lập.

Trên thực tế, đa số những người hướng nội mà tôi biết có khá nhiều bạn bè thân thiết và họ có thể làm bất kỳ điều gì cho người mà mình thương yêu. Họ có thể không phải là những người thích những buổi tiệc tùng hoành tráng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc là về cơ bản, họ kém cỏi trong việc duy trì mối liên hệ với mọi người.

Tuy nhiên, có một “’tầng lớp” mới đang nổi lên, rằng nó bao gồm cả những người hướng ngoại mang trong mình quá nhiều tổn thương để tiếp tục duy trì sự hướng ngoại của mình và vì vậy, họ gán nhầm các hành vi không mấy lành mạnh thành một đặc điểm tính cách mà bản thân không hề có. Điều này xảy ra vì hai lý do chủ yếu sau đây:

1. Nhận biết sai lệch về “sự hướng nội” của chúng ta được sử dụng như một cái cớ để khôi phục lại những ranh giới lành mạnh, thứ mà nhiều người không có được hay củng cố một cách nghiêm chỉnh.
Phần lớn mọi người không có những ranh giới tuyệt vời nhưng những ranh giới ấy lại là nền tảng cho bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào.
Những gì chúng ta không thể đạt được bằng cách ngắt kết nối với thiết bị công nghệ, chúng ta sẽ thực hiện chúng bằng cách ngắt kết nối cảm xúc.

Những ranh giới sẽ chuyển đạt tới mọi người xung quanh chúng ta rằng những hành vi nào sẽ – sẽ không thể dung thứ và cách đối xử nào sẽ – sẽ không thể chấp nhận. Nó có thể đơn giản như là khi nào chúng ta tự nhủ mình sắp đi ngủ và sau đó làm theo cam kết này. Hay phức tạp hơn, khi bạn biểu lộ với ai đó rằng tôi không thể đóng vai là người “lao động cảm xúc” (emotional labor) và chúng ta chẳng thể mở lòng để lắng nghe hàng loạt những chia sẻ tiêu cực của họ hết ngày này qua ngày khác.

Sau đó, chúng ta bỗng trở nên “hướng nội” một cách rõ rệt, ở hoàn cảnh mà khi cuộc sống của tôi và bạn có nhiều siêu kết nối (hyper-connected) hơn bao giờ hết. Trong một thế giới, nơi mà mọi người đều có thể thường xuyên, thậm chí ngay lập tức kết nối, gần gũi với bất kỳ ai, con người sẽ khao khát một liều thuốc lành mạnh với khoảng thời gian riêng tư.

Khi chúng ta không đạt được điều này bằng cách ngắt kết nối với những thiết bị công nghệ, chúng ta sẽ thực hiện chúng bằng cách ngắt kết nối cảm xúc.

Cơ hồ, hành động ấy lại có tác động ngược lại so với những gì con người dự định. Và cuối cùng thì, chúng ta chẳng thể trở nên mạnh mẽ hay thanh thản hơn. Thay vào đó, bạn thực sự đang tự cô lập mình khỏi những người mà ta yêu thương, quan tâm vì cái tự thỏa mãn với thứ cảm giác sai lầm về “sự kết nối”, rồi lãng quên những gì gọi là thực tế.

2. Sau bất kỳ chấn thương tâm lý nào trong các mối quan hệ, những người hướng ngoại mang những nỗi đau bắt đầu trở nên “hướng nội” như một cách thức để tự bảo vệ chính mình.

Một hành vi nữa đang ngày càng trở nên phổ biến là sự cô lập (mà chúng ta lầm tưởng là hướng nội) để tự che chở cho thân sau hàng loạt những tổn thương trong các mối quan hệ.

Thay vì tin tưởng vào nhu cầu tự nhiên và lành mạnh trong việc kết nối giữa người với người, chúng ta bắt đầu mang suy nghĩ rằng những người khác không hề đáng tin cậy và tốt hơn hết là nên dành thời gian mà không có họ cạnh bên. Mặc dù, có khả năng tự lập là điều rất quan trọng nhưng chúng ta cần sự liên kết với thế giới xung quanh để phát triển thực sự.

Thay vì biết cách khôi phục lại các mối quan hệ đúng đắn, (bằng cách theo đuổi người mà có khả năng sở hữu mối quan hệ lành mạnh), chúng ta lại hoàn toàn tránh né điều đó. Chúng ta e sợ rằng một sự khước từ khác có thể giáng một đòn đau đớn vào lòng tự trọng của một kẻ vốn đã rất mong manh.

Tính cách hướng nội thực sự không phải là điều gì bất nhã hay vị kỷ và nó cũng không bao gồm cả việc hoàn toàn không quan tâm đến những nhu cầu của người khác. Những hành vi đó chỉ xảy ra khi con người đang tự cô lập bản thân. Đầu tiên, chúng ta thường cô lập chính mình nếu bị tổn thương. Sau đó là thường xuyên hơn, khi con người ta không muốn phải chịu trách nhiệm về một số hành vi mà bản thân biết là không phải điều tốt nhất, mặc dù dường như chúng ta không thể kiềm chế được chúng.

Sự cô lập là một tín hiệu cho bạn biết rằng mình có điều gì cần sửa chữa nhưng chính bạn lại cảm thấy bản thân không có khả năng hàn gắn nó.

Sự khác biệt giữa tính cách hướng nội và sự cô lập đơn giản là: Một bên là biểu hiện tự nhiên của tính cách và một bên chỉ là cơ chế để đối phó, một cách để ngắt tất cả các kết nối và không dám nhìn nhận vào sự thật. Và đó không phải là giải pháp lành mạnh, bền vững cho những cú đánh không thể tránh khỏi trong cuộc sống này.

Trong kỳ tiếp theo, Wikicabinet trân trọng mời độc giả đón đọc chủ đề Sự khác biệt giữa người hướng nội và người tự cô lập bản thân.

Nếu có những thắc mắc hay muốn tìm hiểu về bất kỳ chủ đề nào, hãy liên hệ với Wikicabinet bằng cách bình luận ở phía dưới nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét