Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Permaculture là gì?

 Wikicabinet kính chào quý độc giả ở kỳ trước chúng tôi đã giới thiệu các chủ đề về du lịch:

Ai có thể áp dụng Permaculture?

Kỳ này wikicabinet xin giới thiệu đến độc giả một chủ đề Permaculture là gì? Mời quý độc giả đón theo dõi chủ đề này cùng wikicabinet nhé!

Permaculture được tạo ra bởi Bill Mollison và David Holmgren, 2 học giả người Úc, từ những năm 1970. Hiện nay, Permaculture đang được áp dụng tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bởi những người tốt nghiệp các khóa Thiết kế Permaculture (PDC).

Permaculture đã được đăng ký bản quyền quốc tế, vì thế bất kỳ ai muốn sử dụng từ Permaculture cho mục đích thương mại (dạy học, tư vấn, thiết kế, trang trại…) cần phải tốt nghiệp khóa PDC 72 giờ được cấp bởi Viện nghiên cứu Permaculture Mollison (Úc) hoặc các trung tâm giáo dục Permaculture được viện này nhượng quyền.

Theo Bill Mollison: “Permaculture (nông nghiệp vĩnh cửu) là thiết kế có chủ đích và duy trì các hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp đa dạng, ổn định và có khả năng chống chọi như các hệ sinh thái tự nhiên. Nó là sự lồng ghép hài hòa cảnh quan, hoạt động sản xuất thực phẩm của con người, năng lượng, nhà cửa, các nhu cầu vật chất và phi vật chất khác một cách bền vững. Không có nông nghiệp vĩnh cửu, không có khả năng duy trì trật tự xã hội ổn định.”

David Holmgren thì khái niệm Permaculture là “Những cảnh quan được thiết kế có chủ đích bắt chước các hình mẫu và sự kết nối trong tự nhiên, đồng thời sản xuất dư thực phẩm, sợi và năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương. Con người, các công trình xây dựng và cách thức họ tự tổ chức cuộc sống là trung tâm của Permaculture. Vì vậy, tầm nhìn của nền nông nghiệp vĩnh cửu (bền vững) đã và đang hình thành nền văn hóa vĩnh cửu (bền vững).”

Ông cũng cho biết thêm: “Permaculture là sử dụng tư duy và các nguyên tắc thiết kế nhằm cung cấp bộ khung tổ chức cho việc thực thi tầm nhìn ở trên. Nó đặt cạnh nhau các ý tưởng đa chiều, các kỹ năng và các phong cách sống cần phải tái phát hiện và phát triển cho phép chúng ta thay đổi từ những người tiêu dùng phụ thuộc thành những công dân sản xuất và có trách nhiệm.”

Từ định nghĩa của các nhà sáng lập và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam, tôi xin được làm rõ khái niệm này như sau:

Điều thứ 1

Permaculture là một hệ thống thiết kế có chủ đích. Nó khác với Chủ nghĩa tự nhiên, để thiên nhiên muốn làm gì thì làm, con người chỉ việc “hòa mình” vào đó và hưởng thụ những gì mà thiên nhiên ban tặng. Permaculture bắt chước những hình mẫu và sự kết nối của thiên nhiên, song phục vụ những chủ ý của con người.

Điều thứ 2

Permaculture là một hệ thống sản xuất thực phẩm. Những mô hình nhà vườn hoặc farmstay được thiết kế bắt mắt để phục vụ du lịch hoặc nghỉ dưỡng nhưng không sản xuất thực phẩm thì không phải là mô hình Permaculture. Để trở thành những công dân sản xuất và có trách nhiệm, Permaculture thúc đẩy khả năng tự lực của con người và các hệ thống mà con người tạo ra. Một hệ thống sẽ không thể tự lực khi không sản xuất thực phẩm bởi nó sẽ chết khi không còn nguồn cung từ bên ngoài.

Điều thứ 2

Permaculture tập trung vào thiết kế, khác với mô hình Nông lâm kết hợp tập trung vào sử dụng đất. Thiết kế của Permaculture đơn giản chỉ là sự sắp xếp các thứ trong nhà, văn phòng, vườn, rừng..theo những nguyên tắc nhất định (9-12 nguyên tắc). Những nguyên tắc này được lấy từ thiên nhiên, cho thấy khả năng tạo ra sự bền vững của toàn bộ hệ thống.

Điều thứ 3

Permaculture khuyến khích địa phương hóa. Tức là, mọi cái chúng ta sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu của địa phương. Nó không khuyến khích sản xuất hàng hóa theo kiểu “chuỗi cửa hàng hữu cơ” đang hoạt động tại Việt Nam. Bởi, sản xuất hàng hóa là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường do quá nhiều rác thải để đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa.

Permaculture được hình thành dựa trên nền tảng 3 giá trị đạo đức mà nó theo đuổi, đó là:

Quan tâm tới trái đất: quan tâm tới trái đất và tất cả các dạng sinh vật và vô sinh vật (thực vật, động vật, nước, không khí và đất đai).

Quan tâm tới con người: quan tâm tới con người, thúc đẩy khả năng tự lực và trách nhiệm cộng đồng.

Chia sẻ công bằng hoặc chia sẻ phần dư thừa: để đảm bảo tất cả những thứ dư thừa đều được chia sẻ thay vì lãng phí hoặc tích trữ (tiền bạc, mùa màng, lao động, thông tin).

Trong 3 giá trị đó, giá trị thứ 3 “Chia sẻ công bằng” đang gây nhiều tranh cãi, song phần lớn những người áp dụng Permaculture đều thống nhất quan điểm là: “Sở hữu tài sản, quyền lực và đất đai quá nhiều so với nhu cầu của một người trong thế giới hạn hẹp này thực sự là phi đạo đức cho dù là một cá nhân, một tổ chức hay một quốc gia”. Như vậy, nếu bạn lựa chọn Permaculture là một con đường, thì hãy bắt đầu từ xác định lại những giá trị đạo đức mà bạn theo đuổi.

Trong kỳ tiếp theo, Wikicabinet trân trọng mời độc giả đón đọc chủ đề 7 công nghệ cốt lõi vận hành nền nông nghiệp thành công của Israel

Nếu có những thắc mắc hay muốn tìm hiểu về bất kỳ chủ đề nào, hãy liên hệ với Wikicabinet bằng cách bình luận ở phía dưới nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét