Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

VNDirect: Tiền đồng có thể mạnh lên năm 2021

 Kinh tế hồi phục, Fed duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và nhân dân tệ lên giá là các yếu tố quan trọng giúp tiền đồng mạnh lên.

Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect trong báo cáo mới đây dự đoán, tỷ giá từ nay đến cuối năm 2020 sẽ duy trì xu hướng ổn định. Cơ sở của nhận định này là tỷ giá trung tâm đến cuối tháng 10 mới tăng 0,2% so với thời điểm đầu năm, lên 23.201 đồng mỗi USD. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng ghi nhận mức tăng tương tự nhờ được hỗ trợ mạnh bởi thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối liên tục gia tăng, từ 80 tỷ USD vào cuối năm ngoái lên 92 tỷ USD cách đây ba tháng.

"Trong bối cảnh các yếu tố thúc đẩy tiền động mạnh hơn đang nổi lên, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ biến động trong biên độ tăng - giảm 0,5% vào năm sau, thay cho dự đoán cũ là giảm 0,5-1,5% ", chuyên gia VNDirect cho biết.

Diễn biến tỷ giá VND/USD từ đầu năm. Ảnh: VNDirect.

Diễn biến tỷ giá VND/USD từ đầu năm. Ảnh: VNDirect.

Nhóm phân tích cho rằng, nền kinh tế hồi phục nhanh trong năm 2021 nhờ hoạt động công nghiệp chế biến - chế tạo và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng trở lại là những yếu tố hàng đầu hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá.

Bên cạnh đó, việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi "thao túng tiền tệ" đang tạo áp lực khiến Ngân hàng Nhà nước ít có dư địa hơn trong việc giảm giá tiền đồng. Hai yếu tố còn lại được kỳ vọng tác động tích cực đến tỷ giá xuất phát từ bên ngoài là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khiến đồng USD tiếp tục suy yếu và đồng nhân dân tệ lên giá nhờ nền kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh.

Tiền đồng mạnh lên trong năm 2021 có thể mang đến những ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế. Sự ổn định và tăng giá của tiền đồng giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sôi động hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu tích cực và Việt Nam giữ vững những lợi thế như GDP tăng trưởng khả quan, khả năng phòng chống dịch bệnh được thế giới đánh giá cao, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam mạnh mẽ.

Sự mạnh lên của tiền đồng cũng làm giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài cũng như giảm chỉ tiêu nợ công/GDP, đồng thời thu hẹp sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Nhờ đó. sẽ giảm nhẹ các cáo buộc liên quan đến "thao túng tiền tệ".

Ở chiều ngược lại, việc tiền đồng mạnh lên có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, khoáng sản thô và hàng hóa chưa qua chế biến.

"Tuy nhiên, tác động của việc tiền đồng tăng giá đến nhập khẩu là nhỏ bởi đồng tiền của các đối tác thương mại hàng đầu Việt Nam như đồng nhân dân tệ, euro, KWD (Hàn Quốc), TWD (Đài Loan) và JPY (Nhật Bản) cũng đang tăng giá so với đồng USD", chuyên gia VNDirect nói. Do đó, chỉ những hàng hóa xuất khẩu từ một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia mới được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá của tiền đồng do đồng bản tệ của những nước này đang mất giá mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét