Thứ Năm, 19 tháng 11, 2020

Thấy gì qua cuộc 'giải cứu' Vietnam Airlines

 Hãng hàng không quốc gia rốt cuộc đã thấy 'ánh sáng dưới đường hầm' khi hôm qua, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn do Covid-19.

Trong nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 đồng ý 2 phương án. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đồng thời, Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ; Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua và cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.

Theo kiến nghị của Vietnam Airlines, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ tái cấp vốn với quy mô 12.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng trong 3 năm lãi suất ưu đãi, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn đối với phần còn lại 8.000 tỷ đồng (qua SCIC).

Như vậy, gói giải pháp đưa vào nghị quyết của Quốc hội là dựa vào cơ chế, chính sách và không hỗ trợ tiền trực tiếp từ ngân sách, giúp giải tỏa những băn khoăn về việc cứu hay không cứu hãng hàng không quốc gia.

'Để phá sản là có tội với quốc gia'

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Việc hỗ trợ cho chỉ một mình Vietnam Airlines là gây bất bình đẳng, phân biệt đối xử với các doanh nghiệp khác cũng đang điêu đứng vì tác động của đại dịch Covid-19 thì sao?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phân tích: 'Là chủ sở hữu nhà nước đang nắm số cổ phần chi phối lên đến 86% tại Vietnam Airlines, Chính phủ phải thực hiện trách nhiệm đối với các khoản đầu tư của mình'.

Kể từ khi thành lập đến nay, Vietnam Airlines đều hoạt động có lãi. Giai đoạn 2010-2019, hãng này nộp ngân sách nhà nước 44.900 tỷ đồng, trong đó 30.500 tỷ đồng là trong giai đoạn 2015-2019 sau cổ phần hóa.

Ông Cung nhận xét, Vietnam Airlines là một doanh nghiệp tốt, là hãng hàng không đầu ngành, năng lực cạnh tranh tốt. 'Một doanh nghiệp tốt trong một ngành quan trọng như vậy, tại sao chủ sở hữu là Chính phủ lại để phá sản hoặc bán đi? Để như vậy là có tội với quốc gia', ông Cung nói.

Trường hợp không có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Vietnam Airlines sẽ mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản, gây ra một số hệ lụy rất lớn: mất toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào hãngs; các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các chủ nợ yêu cầu Chính phủ trả nợ thay; các ngân hàng thương mại trong nước khó có khả năng thu hồi 8.153,5 tỷ đồng các khoản cho hãng vay; hàng ngàn người lao động mất việc làm, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội; đất nước mất hãng hàng không quốc gia…

Do vậy, Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ an toàn cho phần vốn của mình, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông khác, người lao động và giữ ổn định hoạt động kinh tế nói chung.

Cơ chế riêng


Trước đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 24/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị các giải pháp này và được kết luận: '… đồng ý về chủ trương với các kiến nghị của Ban cán sự đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, sớm thực hiện các giải pháp cụ thể, kể cả về pháp lý để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ Tổng công ty Hàng không Việt Nam vượt qua khủng hoảng, tuyệt đối không để lâm vào tình trạng phá sản'.

Chính vì thế mà Chính phủ và Quốc hội đã ra một cơ chế riêng cho hãng hàng không quốc gia.

Dự báo hàng không thế giới còn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát ở nhiều nước, các quốc gia vẫn thực hiện phong tỏa. Dự kiến năm nay, Vietnam Airlines sẽ lỗ 14.000 tỷ đồng.

Được biết, mục đích sử dụng tiền vay của Vietnam Airlines là bù đắp thanh khoản khẩn cấp. Để có nguồn trả nợ khoản vay này, doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, thanh lý tàu bay, thoái vốn tại một số công ty con để có nguồn trả nợ. Bất luận thế nào, Vietnam Airlines phải có trách nhiệm duy trì, bảo tồn và phát triển nguồn tài chính đó. Ngay cả SCIC cũng vậy.

Trong nghị quyết hôm qua, Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Đó là điều bắt buộc phải làm để vực dậy hãng hàng không quốc gia một cách bền vững, tránh được cuộc sụp đổ, gây mất vốn dây chuyền.

Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét