Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Dế Choắt gây tranh cãi khi trở thành quán quân Rap Việt vì xăm kín người

 Dù Dế Choắt từng khẳng định không xăm hình để khiến bản thân trông dữ dằn, nhưng ác cảm khán giả dành cho vẻ ngoài của anh vẫn tồn tại.

Dế Choắt chính thức trở thành quán quân của chương trình Rap Việt mùa 1. Bên cạnh những lời chúc mừng, một bộ phận khán giả chỉ trích Dế Choắt không xứng với chức vô địch. Đa số đều chĩa mũi dùi vào hình xăm trên cơ thể của anh. 

Nhiều người còn thể hiện thái độ lo ngại Dế Choắt trở thành hình tượng xấu, khiến giới trẻ học đòi theo. Dù vậy cũng có một số khán giả bênh vực Dế Choắt, cho rằng không thể đánh giá nhân cách một con người tốt hay xấu chỉ qua hình xăm.

Dế Choắt
Dế Choắt

Khi tham gia Rap Việt, nam rapper sớm gây chú ý vì gần 20 hình xăm, nhiều hình có diện tích lớn và nằm ở các vị trí dễ nhìn thấy. Trả lời phỏng vấn của Zing, Dế Choắt thừa nhận anh ý thức được số lượng lớn hình xăm dễ khiến khán giả ác cảm.

Trước đó, Dế Choắt từng chia sẻ mỗi hình xăm đều có ý nghĩa đặc biệt với anh. Bên cạnh rap, đam mê khác của anh là trở thành thợ xăm chuyên nghiệp. Dế Choắt đã theo đuổi công việc này từ năm 2014.

“Khi biết Rap Việt tuyển thí sinh, tôi thấy rất vui. Tôi cũng là người trẻ yêu rap, cũng muốn tham gia cuộc thi. Nhưng tôi luôn tự hỏi mình có nhiều hình xăm, liệu có thể đến với Rap Việt được không. Nỗi sợ đó là lớn nhất. Phải khi tất cả đều khuyên là tại sao tôi không thử, không làm, lúc đó tôi mới quyết định bắt xe đi trong đêm, từ Đà Lạt xuống TP.HCM”, Dế Choắt nói.

Trên thực tế, xăm mình đã là một phần của văn hóa rap, Hip hop. Từ người chơi đến người nghe, đông đảo các fan của rap thường lựa chọn có riêng cho mình những hình xăm mang ý nghĩa khác nhau. Ở nhiều nước châu Á hiện cũng có nhiều người xăm mình tuy nhiên số đông vẫn tỏ ra kỳ thì vì xuất phát từ những định kiến tồn tại từ lâu.

Tiến sĩ Gareth Davey, nhà nhân chủng học và tâm lý học xã hội tại ĐH Webster (Thái Lan), cho biết: “Trong lịch sử Trung Quốc, hình xăm được sử dụng để chỉ nhóm dân tộc thiểu số hoặc trừng phạt tội phạm và nô lệ”.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hình xăm thường gắn với các nhóm tội phạm, băng đảng xã hội đen từng lộng hành trong quá khứ. Không chỉ vậy, xăm hình bị cho là đi ngược lại các giá trị của Nho giáo về lòng hiếu thảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét