Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

'Việt Nam còn nhiều quỹ đất để trồng 1 tỷ cây xanh'

 Việt Nam còn khoảng 600.000 ha có thể trồng rừng và mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm là "hoàn toàn khả thi".

VnExpress phỏng vấn GS.TS Vương Văn Quỳnh, nguyên Viện trưởng Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) xung quanh đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc "trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới".

Ông nhận xét như thế nào về tính khả thi của mục tiêu nêu trên?

- Tôi cho rằng mục tiêu này rất khả thi, tất nhiên là với quy mô lớn thì việc tổ chức cần chặt chẽ, chương trình thực hiện cần cụ thể để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Rừng trồng mật độ thấp khoảng 1.600 cây mỗi ha, người dân thường trồng rừng sản xuất với khoảng 2.500 đến 3.000 cây mỗi ha, thậm chí rừng ngập mặn có thể trồng với mật độ 3.000 đến 4.000 cây mỗi ha. Nếu trồng 1 tỷ cây xanh thì tương đương với khoảng 300.000 đến 500.000 ha rừng tập trung.

Trước đây Việt Nam còn hàng triệu ha đất lâm nghiệp nhưng chưa có rừng. Vài năm gần đây, việc trồng rừng tốt hơn, nhưng theo tôi vẫn còn khoảng từ 600.000 - 700.000 ha đất chưa có rừng có thể trồng được. Như vậy quỹ đất vẫn còn nhiều để thực hiện mục tiêu 1 tỷ cây xanh.

GS.TS Vương Văn Quỳnh trả lời VnExpress. Ảnh: Gia Chính

GS.TS Vương Văn Quỳnh. Ảnh: Gia Chính

Thực tế mỗi năm Việt Nam vẫn đặt mục tiêu trồng khoảng 200.000 ha rừng nên có thể khẳng định chúng ta đủ năng lực để thực hiện đề xuất của Thủ tướng. Ngoài diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, chúng ta còn có thể trồng được cây gỗ ở các đường đi, xung quanh khu dân cư, nhà máy, ngay cả đồng ruộng cũng có thể trồng những dải rừng chắn gió. Tính bình quân mỗi người trồng khoảng 10-20 cây xanh thì đây không phải con số quá lớn.

- Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng rừng tự nhiên giúp giảm nhẹ thiên tai hơn nhiều so với rừng trồng. Ông nghĩ sao?

- Nói về khả năng giảm nhẹ thiên tai thì phải phân tích khả năng giữ nước của đất. Nhiều người tưởng rằng tán cây, thảm khô giữ nhiều nước nhưng thực tế không phải như vậy. Khối lượng nước giữ lại trên tán cây chỉ hơn 2 lần so với khối lượng của lá, tức là 1 ha rừng chỉ giữ được 30-50 m3 nước, tương tự là khối lượng nước giữ được ở thảm thực vật bên dưới.

Nhưng trong đất chứa được rất nhiều nước. Trong các loại rừng tự nhiên ở Việt Nam, chỉ tính từ 70 cm từ lòng đất lên mặt đất với 1 ha đã chứa được 2.000 đến 3.500 m3 nước. Một ha rừng tương đương với hồ chứa khoảng vài triệu khối.

Rễ cây trong rừng cắm xuống đan vào nhau. Với cây gỗ tốt sống lâu năm thì rễ của chúng găm xuống khá sâu đến tận lớp đá đang tơi rã phía dưới, qua đó giữ đất không bị trượt. Nhưng khi khai thác rừng hoặc trồng rừng theo kiểu công nghiệp (rừng sản xuất) thì mưa xuống làm tan hạt đất ra. Những hạt mịn (sét) sẽ theo nước xuống dưới, ở điểm bắt đầu thay đổi về độ dốc hoặc gặp chướng ngại, chúng sẽ tích lại và tạo thành các lớp giữ nước tạm thời.

Mưa tiếp tục đổ xuống, nước không thoát đi được sẽ tạo thành các túi nước trong đất, cộng với việc đất không được giằng giữ bằng rễ cây, rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở, khi trượt một chỗ sẽ kéo theo các điểm trượt khác giống như hiệu ứng domino.

Rừng trồng tại ĐH Lâm Nghiệp sau gần 30 năm đã có thảm thực vật như rừng tự nhiên. Ảnh: G.N

Rừng trồng tại ĐH Lâm Nghiệp sau gần 30 năm đã có thảm thực vật như rừng tự nhiên. Ảnh: G.N

Khả năng giữ nước của rừng công nghiệp, rừng sản xuất kém hơn rừng tự nhiên vì cây của rừng mất đi do khai thác hoặc phá thì mặt đất trơ trụi, quá trình xói mòn và rửa trôi sẽ làm cho đất bị chai cứng, khả năng thấm và trữ nước kém

Đồng thời rễ bị mục nát, không còn khả năng giữ các lớp đất lớp đất. Khi trồng rừng mới lên, rễ chưa được củng cố nhiều, cây có thể mọc nhanh nhưng khả năng giữ đất kém. Đặc biệt quan trọng là nước mưa đập vào lá cây, rồi đập xuống đất vẫn còn rất mạnh, nếu không có thảm thực vật ở dưới thì hạt nước rơi xuống sẽ làm tơi rã đất, những hạt đất nhỏ sẽ theo dòng nước chui xuống dưới nêm vào các phần rỗng trong đất, làm cho đất trở nên bí chặt, giảm đáng kể khả năng thấm và chứa nước.

So sánh khả năng giữ nước giữa hai loại rừng, chúng ta hình dung nếu rừng tự nhiên như một cái bể chứa được 10 phần nước, thì rừng trồng chứa được khoảng 6 đến 8 phần. Đây không phải chênh lệch quá nhiều, tuy nhiên con số nhỏ này đưa đến hiệu lực rất khác nhau. Khi mưa xuống nếu nước giữ được trong đất, sẽ không có lũ lụt. Còn nếu vượt quá khả năng chứa, giống như mái nhà nước rơi xuống chảy đi ngay, tạo ra lũ. Rừng giúp giảm số lần xuất hiện lũ (tỷ lệ giảm khoảng 20-30% theo nghiên cứu), không có rừng thì trận mưa bé cũng nguy cơ thành lũ.

Quan trọng hơn là rừng giúp giảm đỉnh lũ (mực nước cao nhất trong một trận lũ), nghĩa là khi mực nước đã cao rồi, lên một khoảng nữa là có thể vỡ đê thì rừng giữ nước sẽ giảm nguy cơ này.

Nếu trồng 1 tỷ cây xanh thì mật độ che phủ cũng không tăng nhiều, chỉ khoảng 2%. Nhưng quan trọng hiệu quả về môi trường có thể gấp nhiều lần so với tỉ lệ trồng. Mất khoảng ba năm để rừng trồng có thể phát huy hiệu quả phòng hộ và khoảng 20 năm để có thể được như rừng tự nhiên.

- Ông nhận xét như thế nào về thực trạng rừng Việt Nam hiện nay và Chính phủ nên tập trung trồng rừng ở những khu vực nào?

- Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó 4,3 triệu ha rừng trồng, còn lại là rừng tự nhiên. Độ che phủ rừng hiện tại của nước ta hơn 41%, con số này không phải là ít. Nếu so với Campuchia, Lào thì họ nhiều hơn với tỉ lệ lần lượt là 58%, 68%. Nhưng Trung Quốc, Ấn Độ chỉ hơn 21%.

Theo nghiên cứu, cần tối thiểu 33% diện tích lãnh thổ là rừng để có thể đảm bảo việc phòng hộ. Con số này tương ứng với nghiên cứu của Ấn Độ. Có thể thấy tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam đang nhiều hơn con số này. Tuy nhiên, quan trọng là rừng hiện phân bố chưa đồng đều, một số nơi cần độ che phủ cao hơn.

Ví dụ như các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên cần tỷ lệ che phủ rừng khoảng 60% trở lên, nhưng một số tỉnh độ dốc thấp, địa hình ít chia cắt như Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh cần tỷ lệ che phủ rừng khoảng 20-30%, các tỉnh đồng bằng ven biển chỉ cần tỷ lệ che phủ rừng 5-10%.

Trước mắt chúng ta cần xác định các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao để ưu tiên trồng rừng. Chính phủ nên lên kế hoạch trồng rừng theo cấu trúc rừng tự nhiên, nhiều loài, nhiều tầng lớp và không phát quang thảm thực vật.

- Theo ông, để thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh thì Việt Nam nên trồng những loại cây nào?

- Những loài cây trồng cho phòng hộ, giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất nên là cây bản địa đa tác dụng như: dẻ, trám, sấu, lát hoa, re gừng, lim xanh, ràng ràng mít, pơ mu, hoàng đàn, vù hương, táo mèo, giổi.

Ở miền núi có thể thêm như sến, mật, táu, trầm hương, vàng tâm, gụ, chò nâu, xoan đào. Dưới thảm thực vật có thể trồng thêm sâm, ba kích, sa nhân, thảo quả. Đây hầu hết là những cây lâu năm có có rễ sâu và cứng chắc, chịu được đất khô hạn tăng cường khả năng giằng giữ đất.

Các cây trồng ven biển cần có rễ ăn sâu, rộng, thân khỏe phân bố cành đều trên thân làm cho khả năng chắn sóng hiệu quả như: đước, bần, mấm, trang, sú, vẹt.

Cây trồng đô thị được chọn là những cây sống lâu năm, thường xanh, tán đẹp, hoa đẹp, thơm, rễ sâu có khả năng chống gió bão, ít sâu bệnh, không có nhựa hoặc hương độc, che bóng và giữ bụi tốt như: ngọc lan, bằng lăng, phượng, móng bò...

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và "cần tiếp tục nhất quán quan điểm này".

Theo ông, dù độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng trở lại, khoảng 42% song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp nên cần phải "tiếp tục trồng cây gây rừng".

Lãnh đạo Chính phủ đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét