Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Công ty phần mềm kế toán MISA được định giá hơn 4.000 tỷ

 Công ty phần mềm kế toán MISA được định giá hơn 4.000 tỷ, CBNV chủ chốt thu về hơn 770 tỷ đồng khi bán cổ phần cho quỹ ngoại

Mức giá cho mỗi sản phẩm phần mềm từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhưng MISA đang bán được cho phần đông khách hàng tại Việt Nam.

Nằm trong số các công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống hàng đầu Việt Nam, năm ngoái CTCP MISA nhận được khoản đầu tư từ quỹ TA Associates. 

TA Associates là một trong những công ty đầu tư có kinh nghiệm trên thế giới, đã rót vốn vào hơn 500 doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực chính gồm: công nghệ, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, tiêu dùng và kinh doanh. Kể từ khi thành lập năm 1968, TA Associates cho biết đã huy động gần 33 tỷ USD vốn, cam kết đầu tư với tốc độ giải ngân khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Theo dữ liệu của chúng tôi, Bock Capital EU Luxembourg - đại diện của TA Associates - đã chi ra 1.230 tỷ đồng (53 triệu USD) để sở hữu 30% cổ phần, tương ứng định giá công ty ở mức 4.100 tỷ đồng, bằng 1/10 so với vốn hóa hiện nay của FPT.

Cụ thể TA Associates đã mua vào 11,4 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm 4,22 triệu cổ phiếu phát hành mới với giá 107.800 đồng/cp và mua lại 7,18 triệu cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu. Tại mức giá trên thì các cổ đông hiện hữu của MISA đã thu về hơn 770 tỷ đồng từ thương vụ này.

2019 không phải là một năm thành công với MISA, doanh thu thuần của công ty này chỉ đạt 636 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước đó. Biên lãi gộp giảm từ 87% về 77%, tuy vậy đây vẫn là mức rất cao với một doanh nghiệp quy mô tầm trung. 

Chi phí của MISA chủ yếu ngốn vào vận hành, với chi cho bán hàng 347 tỷ đồng (chiếm 55% doanh thu) và chi phí quản lý doanh nghiệp 112 tỷ đồng (chiếm 18% doanh thu). Lợi nhuận ròng của MISA trong 2019 đạt 46 tỷ đồng, giảm 76% so với năm trước đó. 

Kết quả kinh doanh 2019 của MISA giảm sâu là điều tương đối gây bất ngờ, khi mà tăng trưởng trong giai đoạn trước đó được ghi nhận là hết sức ấn tượng. 

Doanh thu, lợi nhuận từ 2016 đến 2018 tăng gần 2 lần, đỉnh cao lần lượt đạt 799 tỷ đồng và 195 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là biên lãi gộp của MISA luôn duy trì ổn định khoảng 87%. 

Nhưng dựa trên phương án kinh doanh năm 2020 của MISA, đà tăng trưởng mạnh nhiều khả năng sẽ quay trở lại. Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.160 tỷ đồng, lãi sau thuế 255 tỷ đồng, đều là mức kỷ lục trong lịch sử. 

Công ty phần mềm kế toán MISA được định giá hơn 4.000 tỷ, CBNV chủ chốt thu về hơn 770 tỷ đồng khi bán cổ phần cho quỹ ngoại - Ảnh 1.








Sở dĩ có hiệu quả kinh doanh ấn tượng như vậy do hoạt động kinh doanh chính của MISA là sản xuất phần mềm máy tính, các dịch vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và tư vấn... vốn đòi hỏi nhân sự chuyên môn. 

Sản phẩm chính của công ty là phần mềm kế toán đã được bán cho hơn 140.000 doanh nghiệp trên cả nước, hơn 10.000 đơn vị xã phường, phần mềm quản lý giáo dục cho 8.000 trường học, phần mềm quản lý tài sản cho 38.000 cơ quan nhà nước và 1,5 triệu cá nhân đang sử dụng các ứng dụng của MISA… 

Theo tìm hiểu, giá bán cho mỗi gói sản phẩm như vây dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Như vậy, tạo ra các sản phẩm công nghệ và có thể bán chúng đại trà chính là bí quyết thành công của doanh nghiệp này. 

Tại thời điểm kết thúc năm 2019, tổng tài sản của MISA đạt mức 1.316 tỷ đồng, tăng mạnh sau khi huy động vốn. Cơ cấu đáng chú ý với khoảng 946 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn, chiếm hơn 70%. Công ty này cũng không hề có nợ vay mà nợ phải trả chủ yếu là các khoản doanh thu chưa thực hiện. 

Thành lập từ năm 1994, CTCP MISA có lịch sử hoạt động 26 năm trong lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam. Sáng lập kiêm Chủ tịch MISA hiện tại là ông Lữ Thành Long, cựu sinh viên CNTT - Đại học Bách khoa Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét