Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

BS gắp 50 con sán trong mật người đàn ông: Cẩn trọng ăn gỏi hải sản

 (Kiến Thức) - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa gắp 50 con sán lá gan nhỏ trong mật của người đàn ông 52 tuổi bằng kỹ thuật nội soi tụy mật ngược dòng. Gia đình cho biết, bệnh nhân thường xuyên ăn gỏi hải sản 2-3 lần/tháng.

Bệnh nhân Nguyễn V. C., 52 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh được chuyển vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng đau bụng nhiều vùng thượng vị và hạ sườn phải, sốt cao, nôn.

Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật cấp, theo dõi sỏi đoạn thấp ống mật chủ. Người bệnh được chỉ định nội soi chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu can thiệp lấy sỏi ống mật chủ hoặc đặt stent.

BS gap 50 con san trong mat nguoi dan ong: Can trong an goi hai san

Hình ảnh sán lá gan nhỏ bám trong ống mật chủ của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. 

Khi nội soi đường mật, bác sĩ tiếp tục phát hiện đoạn thấp ống mật chủ có nhiều nốt khuyết thuốc cản quang, dùng bóng kéo sỏi khảo sát ống mật chủ, kết quả gắp 50 con sán lá gan nhỏ trong mật.

Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục tốt, đang điều trị chống nhiễm trùng và điều trị đặc hiệu diệt sán lá gan nhỏ.

Gia đình cho biết, ông C. thường xuyên ăn gỏi hải sản tươi sống, tần suất 2-3 lần/tháng. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhiễm sán lá gan.

Sán lá gan là một trong các nguyên nhân gây bệnh lý về đường mật như sỏi mật, sỏi gan, ung thư đường mật. Sán bám sâu vào thành đường mật dẫn đến viêm loét đường mật, tắc đường mật, hoại tử túi mật, nhiễm trùng đường mật.

Trong đó, nhiễm trùng đường mật gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như áp xe gan, huyết khối tĩnh mạch cửa, viêm phúc mạc mật, hẹp đường mật, ung thư đường mật... Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng huyết dẫn đến suy gan, suy thận cấp, sốc nhiễm trùng nặng, thậm chí tử vong.

Một số trường hợp ấu trùng sán sinh sôi xâm nhập vào các cơ quan thiết yếu như não, tim, phổi... đe dọa tính mạng người bệnh.

Mời độc giả theo dõi video "Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19". Nguồn: THDT.


Đối với người Việt Nam, gỏi hải sản hay gỏi cá tươi sống là món ăn đặc sản của nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sông nước. Có những món gỏi cá đã trở nên nổi tiếng và được nhiều người tìm về tận nơi để thưởng thức như gỏi cá mòi, cá nhệch, cá trích, cá cơm, cá nhồng... Song, gỏi cá cũng là món ăn dễ khiến thực khách bị nhiễm ký sinh trùng, trong đó nguy hiểm nhất là giun đầu gai.


PlayvolumeTruvid00:05Ad

BS gap 50 con san trong mat nguoi dan ong: Can trong an goi hai san-Hinh-2

Nhiều trường hợp ăn gỏi hải sản bị nhiễm sán lá gan nhỏ, ký sinh trong cơ thể đến vài tháng mới bắt đầu “hoành hành”, khiến người ăn bị rối loạn tiêu hóa. 

Khi ăn gỏi hải sản tươi sống, nhiều người thường quan niệm, cứ vắt nhiều chanh, ăn với ớt và uống chút rượu là sẽ ấm bụng, loại trừ được những ký sinh trùng trong món ăn. Tuy nhiên, thực tế, nhiều người làm vậy khi ăn gỏi hải sản vẫn bị ngộ độc, phổ biến nhất là bị đau bụng, tiêu chảy, sụt cân. Thậm chí, nhiều trường hợp ăn gỏi hải sản bị nhiễm sán lá gan nhỏ, ký sinh trong cơ thể đến vài tháng mới bắt đầu “hoành hành”, khiến người ăn bị rối loạn tiêu hóa.

Để phòng tránh nhiễm sán lá gan và các bệnh ký sinh trùng khác, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến; hạn chế ăn rau sống, chỉ ăn khi mua ở nơi đảm bảo và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình; tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ; tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét